Thuế VAT dịch vụ ăn uống là bao nhiêu? Ai phải nộp thuế VAT dịch vụ ăn uống?
Thuế giá trị gia tăng (VAT) là một loại thuế quan trọng được áp dụng trên hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế, đặc biệt là dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa rõ mức thuế VAT cho dịch vụ ăn uống hiện nay là bao nhiêu và ai là người thực sự phải nộp loại thuế này. Bài viết dưới đây Truepos sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những vấn đề này, từ khái niệm cơ bản đến quy định cụ thể của pháp luật.
Khái niệm thuế VAT dịch vụ ăn uống và mức thuế VAT
1. Tìm hiểu chung về thuế VAT dịch vụ ăn uống
1.1 Thuế VAT dịch vụ ăn uống là gì?
VAT (hay còn gọi là thuế giá trị gia tăng) là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng theo quy định tại Điều 2, Luật Thuế giá trị gia tăng 2008.
1.2 Thuế vat dịch vụ ăn uống là bao nhiêu?
- Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị định số 174/2024/QH15 tiếp tục duy trì chính sách miễn và giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 như trong năm 2022.
Theo đó, Quốc hội đã thống nhất tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Điểm a, Mục 1.1, Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
Cụ thể, những nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất VAT 10% sẽ được giảm xuống còn 8% (giảm 2%), ngoại trừ các nhóm sau: viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm kim loại đúc sẵn, khai khoáng (trừ khai thác than), than cốc, sản phẩm hóa chất, dầu mỏ tinh chế, và hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đồng thời, giao Chính phủ tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội quyết định; chấm dứt ngay hiệu lực của quy định miễn thuế giá trị gia tăng trong Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào Việt Nam.
Trước đó, chính phủ đã lần đầu ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cho các ngành hàng hóa, dịch vụ kể trên. Hiệu lực của Nghị định này từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, sau đó, Nghị định số 44/2023/NĐ-CP tiếp tục thi hành mức giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Tiếp đến là Nghị định số 94/2023/NĐ-CP tính từ ngày 1/1/2024 đến 30/6/2024 và Nghị quyết 142/2024/QH15 tính từ 1/7/2024 đến 31/12/2024.
Cửa hàng hay khách hàng phải đóng thuế VAT dịch vụ ăn uống?
2. Thuế VAT dịch vụ ăn uống do ai nộp?
Về bản chất, thuế VAT là loại thuế gián thu, là thuế tính trên phần giá trị gia tăng thêm của dịch vụ, hàng hóa do chi phí của quá trình sản xuất và lưu thông của dịch vụ, hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng là người phải chịu thuế VAT khi sử dụng dịch vụ ăn uống.
Theo quy định tại Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 thì người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (người nhập khẩu).
Thông thường, khi công khai giá trên các trang thông tin của nhà hàng ăn, hay menu, giá hiển thị sẽ chưa bao gồm thuế VAT dịch vụ ăn uống. Do đó, nếu là người sử dụng dịch vụ ăn uống thì bạn sẽ phải chuẩn bị thêm khoản phí này.
Khi thanh toán hóa đơn dịch vụ ăn uống ở nhà hàng, bạn sẽ thường bắt gặp dòng chữ “đã bao gồm thuế VAT”, điều này có nghĩa là nhà hàng đã cộng thêm phần thuế VAT mà khách hàng phải trả vào hóa đơn tính tiền dịch vụ.
Như vậy, người tiêu dùng là người chịu thuế VAT khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Còn người nộp thuế VAT là cơ sở kinh doanh hoặc người nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Khi nào ghi nhận thuế VAT dịch vụ ăn uống?
3. Thời điểm xác định thuế VAT là khi nào?
Theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 219/2013/TT-BTC, thời điểm xác định thuế VAT như sau:
-
Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
-
Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
-
Đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
Như vậy, thời điểm xác định thu thuế VAT đối với dịch vụ ăn uống, nhà hàng là thời điểm khách hàng sử dụng dịch vụ ăn uống. Có thể là trước hoặc sau khi sử dụng xong đồ ăn, đồ uống, tùy theo quy định thanh toán của nhà hàng.
Thuế VAT dịch vụ ăn uống là một phần không thể thiếu trong hệ thống thuế quốc gia, đảm bảo nguồn thu ngân sách và thúc đẩy sự minh bạch trong giao dịch kinh doanh. Mặc dù người tiêu dùng là người chịu khoản thuế này thông qua giá dịch vụ, nhưng trách nhiệm nộp thuế thuộc về các cơ sở kinh doanh hoặc cá nhân nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Dương Nguyễn